LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

1. Lịch sử hình thành

      Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, tiền thân là Trường Trung học Kỹ thuật Quy Nhơn được thành lập ngày 20 tháng 8 năm 1962 do Mỹ xây dựng; đào tạo 02 chuyên ngành là: chuyên ban toán và chuyên ban kỹ thuật với các nghề: Kỹ nghệ ô tô, Điện kỹ nghệ, Kỹ nghệ mộc, Nữ công gia chánh và Kỹ nghệ sắt.

Tháng 11/1976, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghĩa Bình ra quyết định thành lập Trường Công nhân Kỹ thuật Cơ điện Nghĩa Bình, trên cơ sở tiếp quản toàn bộ sơ sở vật chất của Trường Trung học Kỹ thuật Quy Nhơn. Trường được giao nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ trung cấp kỹ thuật và công nhân kỹ thuật phục vụ xây dựng và phát triển kính tế - xã hội của Tỉnh.

      Trường được đổi tên thành Trường Công nhân Kỹ thuật Cơ điện Quy Nhơn vào tháng 6 năm 1989, sau khi tách tỉnh Nghĩa Bình thành tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Ngãi.

      Năm 1991, Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo trung học nghề (vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hóa cho học sinh mới tốt nghiệp phổ thông cơ sở) và đổi tên thành Trường Dạy nghề Cơ điện Quy Nhơn.

      Năm 1994, trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn là một trong hai trường của cả nước thực hiện dự án đào tạo nghề giữa 02 chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc với mục tiêu xây dựng trường thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao cho khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Đồng thời, trường đổi tên thành Trường Công nhân Kỹ thuật Cơ điện Quy Nhơn.

       Đến tháng 4 năm 1999 Trường được đổi tên thành Trường Công nhân Kỹ thuật Quy Nhơn theo Quyết định số 54/1999/QĐ-UB ngày 29/4/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định.

     Tháng 01/2007, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ra Quyết định số 191/QĐ-BLĐTBXH thành lập Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn trên cơ sở  nâng cấp Trường Công nhân Kỹ thuật Quy Nhơn, với nhiệm vụ: đào tạo nghề ở cả 03 cấp trình độ: cao đẳng nghề, trung cấp nghề, và sơ cấp nghề; bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người lao động.

        Khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực vào ngày 01/7/2015, để phù hợp với sự phát triển đào tạo nghề trong tình hình mới, ngày 26 tháng 4 năm 2017, Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn được đổi tên thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn theo Quyết định số 604/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

2. Quá trình phát triển

      Trường Trung học Kỹ thuật Quy Nhơn khai giảng lớp đầu tiên vào ngày 20/8/1962. Được vào học tập tại ngôi trường này là ước mơ của nhiều lớp học sinh, sinh viên ngày ấy, bởi tại đây học sinh, sinh viên được giáo dục, đào tạo để trở thành những người thợ giỏi kiến thức và tay nghề, có bản lĩnh vững vàng trong cuộc sống, sẵng sàng cống hiến, phục vụ quê hương, đất nước. Đó là niềm tự hào của rất nhiều thế hệ thầy, cô và những lớp học sinh, sinh viên đã từng công tác, học tập tại ngôi trường này.   

      Trước năm 1975, từ mái trường này nhiều thế hệ học sinh, sinh viên với tinh thần yêu nước và lòng nhiệt thành của tuổi trẻ đã ra đi và trở thành những cán bộ cách mạng. Sau 1975 nước nhà thống nhất, Trường Trung học Kỹ thuật Quy Nhơn được đổi tên thành trường Công nhân Kỹ thuật Cơ điện Nghĩa Bình. Khóa đầu tiên sau giải phóng được khai giảng vào tháng 11/1976 với hai hệ học sinh tốt nghiệp tú tài và hết cấp II vào học. Những ngày đầu sau giải phóng còn nhiều khó khăn nhưng các thế hệ thầy, cô giáo cũ còn lại tiếp tục kề vai với thầy, cô từ chiến khu xuống và từ  miền Bắc vào để tập hợp thành một tập thể đoàn kết, tiếp tục xây dựng Trường phát triển. Giai đoạn từ 1976 đến những năm 1989, Trường Công nhân Kỹ thuật Cơ điện Nghĩa Bình là địa chỉ đáng tin cậy của các nhà máy, xí nghiệp, công trường, nông trường. Rất nhiều các thế hệ học sinh, sinh viên đã trưởng thành, trở thành những người thợ giỏi, những nhà quản lý vững vàng. Rất nhiều học sinh tiếp tục phấn đấu học tập, vươn lên trở thành kỹ sư, thạc sỹ, tiến sĩ phục vụ trên mọi miền của tổ quốc và các nước trên thế giới.

      Những năm cuối thập niên 80, khi cả nước đang chuyển mình từ cơ chế cũ sang cơ chế mới, với nhiều đổi mới trong tư duy phát triển kinh tế - xã hội đã tác động mạnh đến hoạt động của trường. Cuối năm 1989, tỉnh Nghĩa Bình tách làm hai tỉnh là Quảng Ngãi và Bình Định đồng thời tinh giảm biên chế. Một sự thay đổi lớn đã đến với Trường Công nhân Kỹ thuật Cơ điện Nghĩa Bình – Trường được đổi tên thành trường Công nhân Kỹ thuật Cơ điện Quy Nhơn, đội ngũ cán bộ, giáo viên giảm nhiều, tuyển sinh mỗi năm chỉ còn trên 200 học sinh. Giai đoạn 1990 đến 1994 là giai đoạn khó khăn, khủng hoảng đối với Trường. Với ý chí vươn lên, lòng yêu nghề của của tập thể Đảng ủy, Ban Giám hiệu lúc đó, đã cử giáo viên về từng xã, huyện trong tỉnh để tuyển sinh nhằm duy trì hoạt động của Nhà trường. Khó khăn vẫn còn chồng chất khó khăn, tuyển sinh các ngành nghề của cả nước hầu như trì trệ, ngành Cơ khí không có người học. Vào thời điểm khó khăn đỉnh điểm ấy, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, lần thứ VIII ra đời và đưa nền kinh tế Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Năm 1994, Trường Công nhân Kỹ thuật Cơ điện Quy Nhơn được Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại 2,5 triệu USD cho đầu tư nâng cấp thiết bị dạy nghề, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Đây là bước ngoặc to lớn cho sự phát triển đi lên những năm sau đó. Dự án được thực hiện trong 5 năm, từ 1994 đến năm 1999, đã có 40 lượt cán bộ, giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ tại Hàn Quốc trong các lĩnh vực: quản lý; nghề Điện tử; nghề Công nghệ Ô tô; nghề Công nghệ Thông tin; nghề Cơ khí.

      Năm 1999, dự án hoàn thành và nhiều năm sau đó vẫn có tình nguyện viên Hàn Quốc đến trường làm việc, chuyển giao công nghệ. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường vẫn tiếp tục sang Hàn Quốc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Trường Công nhân Kỹ thuật Quy Nhơn đã bắt đầu khởi sắc từ đây, đội ngũ cán bộ, giáo viên được tăng cường, trẻ về tuổi đời, vững về chuyên môn. Số lượng học sinh vào trường ngày một tăng, học sinh tốt nghiệp ra trường có việc làm, thương hiệu của trường ngày một vang xa. Để đáp ứng đa dạng hóa các ngành, nghề đào tạo phục vụ công nghiệp địa phương, tháng 4/1999, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định quyết định đổi tên trường thành Trường Công nhân Kỹ thuật Quy Nhơn. Trường Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn luôn xác định nâng cao chất lượng đào tạo nghề là nhiệm vụ hàng đầu. Là một trường có bề dày trong công tác đào tạo nghề, nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo được thực hiện đem lại kết quả. Các hoạt động chuyên môn luôn được duy trì trong từng năm học như: hội thi học sinh giỏi tay nghề, hội thi giáo viên dạy nghề, hội thi thiết bị dạy và đồ dùng dạy học tự làm các cấp đã được trường quan tâm chỉ đạo sâu sát; các khoa tham gia với trách nhiệm cao. Trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên, giáo viên được nâng lên rõ rệt. Công tác quản lý ngày một hoàn thiện. Tay nghề học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường được xã hội đánh giá cao.

      Năm 2007, trường được nâng cấp trở thành Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn. Với vị thế của một trường cao đẳng đào tạo 3 cấp trình độ: sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và liên kết đào tạo đại học kỹ thuật, sau đó Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn đã có những bước tiến vượt bậc trong mọi mặt hoạt động của một trường dạy nghề.

      Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý liên tục được cập nhật, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp. Đến năm 2010 đã có 50% giáo viên có trình độ sau đại học, thạc sỹ, nghiên cứu sinh.

      Năm 2009, tham gia hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc, trường đã xuất sắc đưa đoàn Bình Định đứng thứ 3 toàn quốc. Trong đó, trường có 1 giáo viên đạt giải Nhất, 3 giáo viên đạt giải Nhì và 1 giáo viên đạt giải Khuyến khích.

      Tháng 3/2010, trường được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đạt kiểm định chất lượng dạy nghề đạt cấp độ 3 (cấp độ cao nhất).

Giai đoạn 2007 đến 2017, Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn, đã trở cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao của khu vực và của cả nước. Với quy mô trên 4000 học sinh, sinh viên. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trên 170 người – trong đó có 140 giáo viên trực tiếp giảng dạy ở 8 khoa nghề: Công nghệ Ô tô, Điện, Cơ khí, Công nghệ thông tin, Điện tử Công nghiệp, Kế toán doanh nghiệp, Sư phạm nghề và Đại cương. Trong vòng 5 năm sau khi được nâng cấp thành trường cao đẳng, đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường luôn được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, vào thời điểm cuối năm 2011, đã có 2 nghiên cứu sinh, 44 thạc sỹ, 24 cao học. Hằng năm, cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục được quan tâm đầu tư. Từ năm 2006 đến 2011, trường được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đầu tư trên 25 tỷ đồng để bổ sung thiết bị dạy nghề. Cơ sở vật chất được trường đầu tư xây dựng mới: nhà 5 tầng với 30 phòng học, khu hiệu bộ, xưởng trường, khu công nghệ cao với số tiền trên 25 tỷ.

      Trường là một trong 45 trường nghề của cả nước được Chính phủ đầu tư trọng điểm thành trường nghề chất lượng cao đến năm 2020, theo Quyết định 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014.

      Năm 2015, Chính phủ lựa chọn Trường xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015 về thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Trường thực hiện Đề án thí điểm này trong giai đoạn 2016-2019, theo Quyết định số 540/QĐ-TTg, ngày 04/6/2016.

      Trường đã và đang được đầu tư trọng điểm thành trường chất lượng cao theo Quyết định 761/QĐ-TTg, đồng thời đang đào tạo 7 nghề trọng điểm theo Quyết định số 1836/QĐ-LĐTBXH ngày 27/11/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, gồm: 3 nghề đạt chuẩn trình độ quốc tế: Cơ điện tử, Điện công nghiệp và Điện tử công nghiệp; 2 nghề có trình độ đạt chuẩn khu vực ASEAN: Hàn, Cắt gọt kim loại; 2 nghề đạt chuẩn quốc gia: Công nghệ ô tô và Công nghệ thông tin.

      Năm 2015, Nhà trường tiếp tục được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng dạy nghề, theo Quyết định số 774/QĐ-LĐTBXH ngày 09/6/2015.

      Giai đoạn 2017-2020, Trường đang được Nhà nước giao đào tạo thí điểm 2 nghề đạt trình độ quốc tế, gồm: nghề Cơ điện tử và Điện tử công nghiệp, theo tiêu chuẩn của Học viện Chishoml (Australia). Trường được các chuyên gia của Úc đánh giá là một trong những cơ sở đào tạo đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn đào tạo nghề của Úc tại Việt Nam (tính đến 03/2019).

      Trong điều kiện tuyển sinh đầu vào nhiều trường gặp khó khăn, nhưng bằng việc không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và các hoạt động trong nhà trường kết hợp với đổi mới công tác tuyển sinh, Nhà trường vẫn tuyển sinh hàng năm được từ 1200 đến 1500 HSSV, duy trì lưu lượng học sinh, sinh viên bình quân từ 3.200 đến 3.500 HSSV.

      Quy mô ngành, nghề ngày càng được mở rộng, đến nay đã có 15 nghề đào tạo chính quy trình độ cao đẳng và trung cấp; 11 nghề đào tạo trình độ sơ cấp.

      Chất lượng đào tạo ngày được nâng cao; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung bình đạt 90%; số HS/SV ra trường có việc làm đạt trên 85%.

      Hoàn thành mục tiêu trình độ CNTT (chuẩn IC3 và ICDL); đang thực hiện kế hoạch đạt chuẩn ngoại ngữ và hoàn thành các tiêu chí của Trường nghề chất lượng cao đến năm 2020, theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Chính phủ.

      Trình độ đội ngũ không ngừng được nâng cao, đến nay đã có 4 tiến sĩ và NCS; 91 thạc sĩ; 53 đại học; từ 2007 đến nay đã có 25 lượt giảng viên được đào tạo, bồi dưỡng ở các nước Hàn Quốc (02); Malaysia (04); Úc (12); Thái Lan (05); CH Liên bang Đức (02).